Trang chủ / Tin tức / Nông nghiệp việt nam / Có thêm 10 giống lúa chịu ngập, mặn thích nghi vùng đồng bằng ven biển

Có thêm 10 giống lúa chịu ngập, mặn thích nghi vùng đồng bằng ven biển

10 giống lúa mới của dự án “Tạo giống lúa chịu ngập chìm và chịu mặn thích nghi với điều kiện nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam”….

Nhiễm mặn, hạn hán hay ngập lụt – những hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu mà mươi năm trước nhiều người còn khó hình dung ra thì nay đã hiển hiện mỗi lúc một rõ nét. Chính vì thế mà việc cho ra đời 10 giống lúa mới của dự án “Tạo giống lúa chịu ngập chìm và chịu mặn thích nghi với điều kiện nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam” càng mang tính thời sự… GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – Giám đốc dự án cho biết, nhóm đã sử dụng phương pháp chọn tạo giống lúa bằng chỉ thị phân tử kết hợp với lai hồi giao (MABC) để cho ra đời các giống lúa chịu ngập, chịu mặn này. MABC là một phương pháp được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) phát triển nhằm chuyển các gen mới vào các giống ưu tú nay đã chuyển giao tới Việt Nam. MABC cho phép lai chuyển những gen mới vào các giống lúa ưu tú trong khoảng thời gian ngắn hơn (3 năm) so với phương pháp lai truyền thống mất khoảng thời gian từ 6 – 10 năm.
Giống được hội nhập thêm những gen mới có khả năng chống chịu với các yếu tố bất lợi của môi trường trong khi vẫn giữ nguyên được các đặc tính cơ bản của bản gốc. Chính vì thế, giống tích hợp gen sẽ dễ dàng được chấp nhận khi chuyển giao cho nông dân bởi bản chất của nó không phải là một thứ gì đó quá xa lạ với họ.
Trong giai đoạn đầu của dự án (2010 – 2012), áp dụng phương pháp MABC các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo được bảy dòng ưu tú mang QTLs Sub1 (QTL – di truyền tính trạng số lượng) chịu ngập hoặc QTLs Saltol chịu mặn với nền di truyền là các giống lúa trồng phổ biến tại miền Bắc như Khang dân 18, Bắc thơm 7 và miền Nam như AS996, OM6976… Chúng được trồng thử nghiệm tại tỉnh Nam Định – nơi đại diện cho sinh thái đồng bằng sông Hồng và tỉnh Bạc Liêu nơi đại diện cho đồng bằng sông Cửu Long. Ở giai đoạn 2013 – 2016, nhóm khoa học của dự án đã chọn tạo và gửi khảo nghiệm 6 giống lúa chịu mặn: OM22, OM225-Saltol, OM352, DMV58, DMV291, SHPT7.
Chúng thể hiện tính chống chịu khá ở độ mặn 4‰; trung bình ở độ mặn 6‰ mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng tương đương với giống ban đầu (trên nền các giống lúa trồng đại trà ở cả hai miền Nam, Bắc như gạo khang dân 18, Bắc thơm 7, OM5451, OM6976, AS996…). Ảnh: Dương Đình Tường   Trong đó OM22 đã được công nhận giống sản xuất thử cho miền Nam. Giống này được tạo thành từ giống gốc là OM6976 đã được đưa gen chịu mặn, thể hiện tính chống chịu khá ở độ mặn 4‰; trung bình ở độ mặn 6‰ mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng tương đương so với nguyên bản.
Hai giống SHPT2, SHPT3 đã được công nhận sản xuất thử cấp cơ sở và đang trong tiến trình công nhận sản xuất thử cấp quốc gia. Bên cạnh đó, dự án đã kết hợp nhiều QTL chịu mặn nhằm tăng thêm khả năng chống chịu, đã lai quy tụ QTL chịu mặn từ giống Capsule của IRRI vào giống CB45 mang nền gen của AS996 có 2 gen chịu ngập và chịu mặn, đưa thêm QTL chịu mặn của giống Capsule. Các dòng F3 AS996-Saltol- Sub1-Capsule đang được lưu giữ làm nguồn vật liệu nhiều gen chịu mặn cho những nghiên cứu tiếp theo. Về giống lúa chịu ngập, dự án đã chọn tạo và gửi khảo nghiệm 4 giống lúa gồm: OM351, KI2, SHPT2, SHPT3 thể hiện tính chịu ngập từ 12 – 18 ngày, năng suất, chất lượng tương đương với giống ban đầu.
Không chỉ tạo ra được giống chống chịu tốt, điều quan trọng là dự án đã thành công trong việc phát triển phương pháp mới trong chọn tạo giống lúa là chỉ thị phân tử kết hợp với lai trở lại MABC. Đây là cách làm mới nhằm hội nhập thêm những gen mới vào các giống ưu tú mà vẫn giữ nguyên được các đặc tính nông sinh học cơ bản của giống gốc. Nó giúp rút ngắn thời gian chọn tạo giống (từ 3 – 5 năm so với phương pháp lai truyền thống mất khoảng thời gian từ 6 – 8 năm). Phương pháp này không tạo ra một giống hoàn toàn mới mà chỉ nâng cao tính chống chịu các yếu tố bất lợi sinh học và phi sinh học của các giống đã có đồng thời vẫn giữ nguyên các đặc điểm của giống gốc. Do đó, giống tạo ra sẽ nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận và triển khai vào sản xuất đại trà, không thay đổi thương hiệu giống lúa trên thị trường. Ứng dụng này rất quan trọng ở chỗ khắc phục tình trạng có quá nhiều giống lúa như hiện nay, giống mới phủ nhận giống cũ do đó không xây dựng được thương hiệu của giống trên thị trường lúa gạo.
—–
Công ty cổ phần lương thực Nam Bình
Doanh nghiệp xay xát và bán buôn gạo tại Hà Nội
ĐT: 0962551661 – 04 62 541555


Bình luận

Vận chuyển miễn phí

Khi mua từ 10kg trở lên tại Hà nội

Giá bán tốt nhất

Giá tốt nhất thị trường Việt Nam

Cam kết ba không

Chất bảo quản - Phụ gia - Hóa chất