Trang chủ / Tin tức / Tin gạo Nam Bình / Du lịch Điện Biên-Tiềm năng lớn, khai thác chưa tương xứng

Du lịch Điện Biên-Tiềm năng lớn, khai thác chưa tương xứng

Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi

Mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi

Qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối

Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay…

QĐND – Tôi rất thích những câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết về Điện Biên. Trong ngắn ngủi ấy có núi, có rừng, có suối, có gạo ngon điện biên, có tình người bối rối, đặc biệt có cả mây của “mùa chiến dịch” vân vít trên đầu. Ấy là một Điện Biên có khung cảnh nên thơ hùng tráng, có bề dày lịch sử – văn hóa lung linh miền Tây Bắc mời gọi, thúc giục khách thăm. Vậy nhưng thực tế du lịch Điện Biên – điểm hẹn lịch sử vẫn chưa ngang tầm, đường đến du lịch Điện Biên vẫn như những con ngõ hẹp, quanh co. Năm 2010, Điện Biên đón khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu tăng 22,6%. Mục tiêu năm 2011 đón khoảng 350 nghìn lượt khách, doanh thu tăng 16% so với năm trước. Con số ấy là khiêm tốn đối với Điện Biên, tỉnh có nhiều thế mạnh du lịch. 

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Di tích lịch sử cách mạng – thế mạnh của Điện Biên

Lợi thế du lịch đầu tiên của Điện Biên chính là cụm di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp 75 năm trước, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Hiện nay, cụm di tích lịch sử của chiến dịch đã được trùng tu, bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch có hiệu quả. Du khách theo quốc lộ 6, qua địa phận tỉnh Sơn La tới Tuần Giáo đã nghe văng vẳng câu thơ “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” của một thời hào hùng dân công vận tải chi viện cho chiến trường Điện Biên. “Dốc Pha Đin”- đèo Pha Đin (Phạ Đin) theo tiếng địa phương là trời và đất là địa phận giáp ranh 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La được phân chia bởi cuộc đua ngựa trong truyền thuyết của người Mông. Nơi đây đã chứng kiến bao câu chuyện bi tráng của một thời oanh liệt.

Qua Pha Đin xuống vùng đất Tuần Giáo, Mường Ẳng ta lại được nghe câu chuyện về vùng hậu cứ kiên trung, bền bỉ của đồng bào Thái, Mông, Dao…, cung cấp lương thực, gạo điện biênche giấu bộ đội, vũ khí trong những năm kháng chiến. Tới Nà Tấu, cách Điện Biên 30km, từ trên xe ô tô khách tham quan sẽ nhìn thấy một phần tuyến đường kéo pháo 105mm băng rừng, vượt núi năm nào. Nghe đâu đó có âm vang “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo…”, thấp thoáng trong núi cao, mây mù, đường trơn, dốc thẳm lại gợi lên bóng dáng người anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… Qua Mường Phăng, ta lại đến khu rừng nguyên sinh nơi có Sở chỉ huy chiến dịch để nhớ lại ngày nào giữa âm u rừng thiêng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… bàn kế hoạch đánh Điện Biên Phủ – trận quyết chiến chiến lược đánh dấu sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng và sự tan rã của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, tạo đà cho toàn dân tộc ta đến ngày toàn thắng. Vào tới lòng chảo Điện Biên Phủ, câu chuyện lịch sử oai hùng được tái hiện thật rõ nét qua những địa danh Đồi A1, D1, C1, Độc Lập, Bản Kéo, cầu Mường Thanh, hầm Đờ Cát… Từ cảm giác tự hào dân tộc, rồi ai cũng chợt chùng mình, bâng khuâng, xúc động, bồi hồi khi thắp nén hương trầm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Độc Lập, Bia hận thù Noong Nhai…. nơi hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng ngã xuống mà hầu hết là chưa biết tên.

Cụm tượng đài kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên là một vùng văn hóa lâu đời, giàu bản sắc

Đến Điện Biên hôm nay, du khách không chỉ để tham quan di tích lịch sử, tri ân anh hùng liệt sĩ mà cònđược tận hưởng, lĩnh hội cả một không gian đầy bản sắc văn hóa lâu đời của 21 dân tộc anh em.  Miền đất này có một bề dày truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện qua kho tàng văn học của các dân tộc với nhiều thể loại, đề tài phản ánh thiên nhiên, đất nước, con người Điện Biên Phủ. Những tác phẩm: Truyện kể bản Mường, Xống chụ xon xao… từ lâu được nhiều người biết đến, yêu mến và góp phần xứng đáng làm giàu, làm phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Xứ Mường Thanh (Điện Biên Phủ) được mệnh danh là vựa lúa trù phú có gạo ngon nhất miền Tây Bắc qua câu ca Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc. Đây là vùng đất cư trú lâu đời của đồng bào Thái với những đặc sản văn hóa nhà sàn, múa xòe, ném còn, cơm lam, cá suối, rêu đá, măng đắng, sâu chít… Ai đến Mường Thanh để ngất ngây men rượu, chuếnh choáng vòng xòe, say mê điệu sạp cùng những cô gái Thái ở Phiêng Lơi, Che Căn, Phiềng Quái… Rồi lại không thể bỏ lỡ đêm ngủ nhà sàn, ngày tắm suối khoáng ở bản U Va, Thanh Luông, Hua Pe… Tháng 3 mùa hoa ban nở, du khách lại ngược núi, ngược đèo đến Tủa Chùa ngắm rừng hoa ban bung trắng ở Tả Xi Láng để hiểu thêm về truyền thuyết “Hoa ban nở thành người con gái Thái”…

Đến Điện Biên lại phải qua Điện Biên Đông thăm thượng nguồn sông Mã, qua Mường Lay ghé Khu phế tích dinh thự Vua Thái Đèo Văn Long, dừng chân ở Tuần Giáo dự lễ hội Lồng Tồng của người Mông nơi đây để đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy… Đặc biệt, đến thăm Điện Biên ai cũng muốn đi vào tháng 12, khi hoa cúc quỳ nở miên man khắp núi rừng, được chạm tay vào cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé), nơi một tiếng gà gáy ba nước nghe thấy (Việt-Lào-Trung), nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam (cực Tây Tổ quốc), nơi đặt nét bút vẽ bản đồ nước Việt…Hơn thế nữa, ai đến A Pa Chải cũng muốn được ăn tết Hồ Sự Trà và nghe câu chuyện của cộng đồng người Hà Nhì hàng trăm năm kiên cường bảo vệ biên cương đất nước…

Mảnh đất Điện Biên anh hùng năm xưa, phát triển mạnh mẽ hôm nay còn thật nhiều những tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Du lịch văn hóa – lịch sử cần một cơ chế liên hoàn đồng bộ, một cách làm sáng tạo độc đáo để quảng bá một hình ảnh Điện Biên lịch sử và đầy ắp bản sắc, là điểm nhấn đặc biệt miền Tây Bắc.


Bình luận

Vận chuyển miễn phí

Khi mua từ 10kg trở lên tại Hà nội

Giá bán tốt nhất

Giá tốt nhất thị trường Việt Nam

Cam kết ba không

Chất bảo quản - Phụ gia - Hóa chất