Trang chủ / Tin tức / Thị trường gạo / Gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao những tháng cuối năm

Gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao những tháng cuối năm

Theo số liệu thống kê quốc tế, tính đến giữa tháng 6-2017, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 2,9 triệu tấn, tăng trên 27% so với cùng ký năm ngoái. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo cao nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay, gồm Thái Lan (tăng 13,57%); Ấn Độ ( tăng 3,57%); Pakistan (giảm 33,44%) và Mỹ (tăng 25,54%).

Còn thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối tháng 5-2017, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt gần 2,3 triệu tấn, trị giá FOB đạt gần 975 triệu đô la Mỹ, tăng 9,71% về lượng và 11,29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, về triển vọng xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2017, theo đánh giá của VFA, là sẽ tiếp tục sôi động, nhất là khi nhu cầu các hợp đồng tập trung đang tăng cao.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, từ tháng 5-2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao và số lượng có khả năng lên đến 880.000 tấn; trong đó, có khoảng 770.000 tấn dự kiến được các nước nhập khẩu và nhận giao hàng từ nay đến tháng 8-2017.

Đối với thị trường Philippines, ông Năng cho hay, theo kế hoạch đầu tháng tới, quốc gia này sẽ đấu thầu mua 250.000 tấn gạo và khả năng Việt Nam được chọn để cung cấp là rất cao. Bởi, lượng gạo dự trữ của Thái Lan hiện chỉ còn khoảng 160.000 tấn đủ tiêu chuẩn sử dụng làm lương thực và giá gạo của Thái Lan cao hơn nên Việt Nam có ưu thế lớn trong đấu thầu sắp tới.

Một điểm đáng chú ý nữa, theo ông Năng, đó là thị trường gạo thế giới đang chuyển từ chỗ người mua làm chủ, quyết định sang người bán làm chủ, tức những người có lúa gạo hàng hóa mới là người quyết định cục diện của thị trường. Tuy nhiên, ông Năng cho rằng, muốn giữ được thế làm chủ này, thì việc nắm rõ sản xuất trong nước để điều hành có lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp là bài toán cần phải tính đến.

Ông cho biết, kế hoạch dự kiến vụ hè thu 2017 (đang thu hoạch) sau khi trừ đi cho tiêu dùng trong nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có 3 triệu tấn gạo phục vụ cho xuất khẩu. Ông tính toán, qua cân đối ba vụ lúa ở ĐBSCL thì sẽ có ít nhất khoảng 8 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Trong khi đó, theo ông Năng, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo và với khoảng 1,3-1,4 triệu tấn xuất khẩu không thống kê được (xuất tiểu ngạch) thì tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2016 là khoảng 6,3-6,4 triệu tấn.

Triển vọng thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2017 và các yếu tố tích cực như nêu ở trên đã giúp giá lúa gạo tại thị trường nội địa tăng thời gian gần đây. Đặc biệt, với chủng loại lúa, gạo IR 50404, chủng loại chiếm thị phần lớn trong các hợp đồng tập trung.

Cụ thể, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được bán với giá 5.000-5.200 đồng/kg, tăng 500-600 đồng/kg so với mức giá cách nửa tháng. Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống này cũng tăng từ mức 6.700-6.800 đồng/kg lên mức 7.200-7.300 đồng/kg.

Ngoài yếu tố thị trường, theo ông Năng, tỷ trọng cơ cấu giống lúa IR 50404 được gieo sạ sụt giảm mạnh, từ mức chiếm khoảng 30% như trước đây xuống còn dưới 20% trên tổng cơ cấu giống được gieo sạ ở ĐBSCL như hiện nay, khiến sản lượng lúa gạo IR 50404 sụt giảm cũng là lý do tăng giá.


Bình luận

Vận chuyển miễn phí

Khi mua từ 10kg trở lên tại Hà nội

Giá bán tốt nhất

Giá tốt nhất thị trường Việt Nam

Cam kết ba không

Chất bảo quản - Phụ gia - Hóa chất