Trang chủ / Tin tức / Nông nghiệp việt nam / “Hành trình xanh” của cây lúa Séng cù

“Hành trình xanh” của cây lúa Séng cù

Bén duyên với đất Mường Vi

Trong “hành trình xanh” của mình, mảnh đất Mường Vi là nơi có “duyên kỳ ngộ” với cây lúa Séng cù. Vụ đầu tiên Gạo Séng cù có mặt ở Bát Xát là vụ xuân 2004, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện mô hình trình diễn tại xã Mường Vi trên diện tích 20 ha. Vùng đất lúa Mường Vi có trình độ sản xuất khá cao nhưng để một cây trồng mới có chỗ đứng chân thì không hề đơn giản. Năng suất, chất lượng, năng lực phòng chống sâu bệnh, hạn hán của cây lúa này ra sao, là những câu hỏi đặt ra với người trồng lúa Mường Vi. Điều đó càng kích thích các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bám dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh.

 
Cây lúa Séng cù tiếp tục góp phần làm nên những vụ mùa bội thu cho bà con xã Mường Vi.

Trở ngại lớn nhất là năng suất trung bình của cây lúa giống thông thường khi đó tại cánh đồng xã Mường Vi đã đạt rất cao, hơn 60 tạ/ha, trong khi năng suất lúa bình quân của cả tỉnh tại thời điểm đó chưa đạt tới 50 tạ/hạ. Cây lúa Séng cù có phá được “kỷ lục” này, chất lượng sản phẩm liệu có như tài liệu hay lời cán bộ tuyên truyền, phổ biến… khiến bà con lại tiếp tục đặt ra câu hỏi. Nắm bắt được tâm tư đó, UBND huyện Bát Xát đã quyết định việc đầu tiên cần làm là phổ biến phương châm thực hiện là Nhà nước cung ứng giống lúa, kỹ thuật canh tác, người dân đầu tư công, phân bón. UBND huyện Bát Xát cũng đưa ra cam kết bù lỗ cho các hộ tham gia trồng giống lúa mới nếu giá trị kinh tế từ cây lúa Séng cù đạt thấp hơn so với lúa lai trên cùng đơn vị diện tích. Về vấn đề này, anh Trần Văn Thường, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Mường Vi tâm sự: “Lúc đó tôi cũng là cán bộ xã nên phải gương mẫu, đi đầu. Quả thực trong lòng cũng thấy lo lắng cho dù đã đi tham quan mô hình lúa Séng cù tại huyện Mường Khương, nhưng nó có phù hợp với đất Mường Vi hay không thì khó mà biết được. Chỉ đến khi thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất đạt gần 60 tạ/ha thì mới có thể thở phào”. Tính năng suất trung bình của 20 ha lúa Séng cù trong vụ xuân năm 2004 tại xã Mường Vi là 58 tạ/ha, gần bằng năng suất lúa lai, trong khi đó giá bán thóc Séng cù cao gấp 2 lần nên bà con rất hồ hởi. Những hoài nghi, e ngại của người dân đã được xóa bỏ, thay vào đó, bà con quyết tâm để giống và mở rộng diện tích ngay trong vụ sau. 

Sức vươn của cây lúa Séng cù

Từ điểm “khai sinh” là lòng chảo Mường Vi, đến nay cây lúa Séng cù đã có mặt ở đồng ruộng 22/23 xã, thị trấn của huyện Bát Xát và trở thành cây lương thực hàng hóa quan trọng trong cơ cấu giống sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương. Năm 2010, diện tích cấy lúa Séng cù trong vụ xuân là 165 ha, đến vụ xuân năm 2014 đã tăng lên 229 ha. Cây lúa Séng cù bén rễ ở đất Mường Vi đến nay đã được tròn 10 năm và cũng trong thời gian này nó tiếp tục làm quen với nhiều môi trường sống ở các tiểu vùng khí hậu khác nhau và gần như vùng đất nào nó cũng dễ dàng “bén duyên”. Bà con không có lý do nào để từ chối cây lúa Séng cù nếu nó phù hợp với đồng đất địa phương bởi giá trị kinh tế của thóc, gạo Séng cù luôn cao gấp 2 – 2,5 lần so với giống lúa lai. Bên cạnh đó là nhu cầu của thị trường về các sản phẩm gạo đặc sản ngày càng tăng cao, gạo Séng cù có xuất xứ từ Bát Xát là sản phẩm đã chiếm được niềm tin với khách hàng ở nhiều nơi.

Ở một số địa phương khác, tuy năng suất không đạt cao như tại xã Mường Vi, nhưng nhờ giá trị kinh tế mà lúa Séng cù đem lại, nó vẫn là sự lựa chọn đầu tiên trong cơ cấu giống của vụ xuân. Chia sẻ về cây lúa Séng cù, chị Vũ Thị Chúc, thôn Tân Thành, xã Trịnh Tường cho biết: Gia đình tôi có 0,4 ha đất ruộng cấy lúa xuân, từ năm 2012 tôi chuyển sang cấy lúa Séng cù với năng suất đạt từ 48 – 50 tạ/ha. 1 tạ lúa Séng cù tôi bán tại sân phơi có giá 1,2 – 1,4 triệu đồng, trong khi đó lúa lai chỉ đạt mức 600.000 – 700.000 đồng. Đây là lý do để gia đình tôi và nhiều hộ nông dân khác của xã Trịnh Tường tiếp tục để lại giống Séng cù cấy vụ xuân năm sau.

Cách đây chưa lâu, được tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ, Viện Khoa học Kỹ thuật – Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Mô hình phục tráng giống lúa Séng cù tại xã Mường Vi với quy mô 50 ha. Mục đích của mô hình là giữ nguyên nguồn gen giống lúa thuần và tạo nguồn giống với số lượng lớn nhằm nhân rộng diện tích cấy giống lúa Séng cù tới nhiều xã trên địa bàn huyện. Cũng tại thời điểm này, Đảng bộ huyện Bát Xát đã triển khai 5 chương trình trọng tâm, 12 đề án phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, cây lúa Séng cù đã trở thành lựa chọn tối ưu về cây giống lương thực trong Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa giống cây mới vào gieo trồng, sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Với cây lúa thuần Séng cù, điều đó hoàn toàn xứng đáng, chí ít cũng là qua “hành trình xanh” 10 năm chinh phục niềm tin của nông dân.

 

Bình luận

Vận chuyển miễn phí

Khi mua từ 10kg trở lên tại Hà nội

Giá bán tốt nhất

Giá tốt nhất thị trường Việt Nam

Cam kết ba không

Chất bảo quản - Phụ gia - Hóa chất